( Cập nhật 7/6/21)

Vì nhu cầu mỹ phẩm thì nhiều mà kinh phí có hạn, mình cũng hay ghé mấy group pass đồ mỗi khi muốn thử 1 món mới, hoặc bán lại những món mình không còn nhu cầu sử dụng 😙. Tuy nhiên việc mua bán hàng online luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, và ngay bản thân mình cũng đã từng là nạn nhân của lừa đảo : ))).

Vậy nên hôm nay mình sẽ tổng hợp 1 số điều mình nghĩ là cần lưu ý khi bắt đầu mua bán đồ thanh lý online ( đăc biệt là từ các group trên facebook), nhằm giảm thiểu rủi ro bị mất tiền oan nhé 💸.

Tổng hợp những điều cần lưu ý để tránh bị lừa khi mua bán đồ thanh lý online

💜 1. Không phải giao dịch với facebook thật thì sẽ đáng tin hơn account clone ( ẩn danh)

Nhiều bạn cho rằng khi mua bán hàng pass cho facebook thật thì sẽ đáng tin các tài khoản ẩn danh. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn chính xác.

Đầu tiên, cho dù người đó có dùng account thật, khi đã lừa mình xong, họ block mình thì mình cũng không làm gì được. Việc thông qua bạn bè trên facebook họ để tìm thông tin về người đã lừa gạt mình thì cũng như mò kim đáy biển, vừa tốn thời gian lại chỉ rước thêm cục tức vào người 🧐 .

Thứ 2, khó có thể xác định đó có phải là facebook ‘ thật’, thông tin ‘ thật’ hay không. Mình đã từng thấy qua các acc facebook bị tố lừa đảo, nhưng để hình ảnh công khai, số lượng bạn bè cũng lên đến cả trăm người, hoàn toàn không có gì khả nghi. Khi tìm hiểu thì mới phát hiện ra hình họ lấy không phải hình thật của họ, và cả trăm người bạn kia cũng chỉ là bạn bè ‘ online’, nghĩa là tiện tay kết bạn để tăng tương tác cho facebook nhau thôi, không quen biết gì cả.

Thứ 3, nhiều nick clone vẫn mua bán hàng đàng hoàng ( ví dụ như mình 😂), chỉ là họ ngại thấy người quen trong mấy group nên dùng acc ẩn danh thôi. Những bạn mua bán hàng thật sự không lừa đảo, khi được yêu cầu đưa facebook thật để làm tin thì họ cũng không ngại đâu. Vì vậy các bạn cứ yêu cầu link fb thật để xác minh khi thấy nghi ngờ trong quá trình giao dịch với acc clone. Họ không đưa thì khả năng cao sự nghi ngờ của bạn là đúng nhé.

💜 2. Yêu cầu kiểm hàng

-Nếu là người mua, các bạn nên yêu cầu kiểm hàng trước khi nhận món đồ và thanh toán tiền, nhằm tránh trường hợp trả tiền xong thì phát hiện món đồ không đạt yêu cầu.

-Trường hợp người bán có Shopee thì theo chính sách, Shopee sẽ không cho kiểm hàng khi nhận, nhưng được đổi trả sản phẩm nếu không hài lòng. Khi không vừa ý chỗ nào, bạn chụp hình chi tiết và gửi hình ảnh khiếu nại qua khung chat Shopee luôn 👈. Việc này giúp bảo vệ quyền lợi cho người mua tốt hơn, vì khi có nhu cầu đổi trả, Shopee sẽ đánh giá dựa trên sự trao đổi của người mua và bán ở đoạn chat trên.

-Nếu các bạn thỏa thuận đổi trả với người bán ở nơi khác ( ví dụ facebook messenger, zalo…), thì Shopee không có thông tin để xem xét khiếu nại, và thường sẽ không chấp nhận yêu cầu đổi trả của các bạn.

💜 3. Thanh toán COD

Thanh toán bằng tiền mặt sau khi nhận và kiểm hàng vẫn là phương thức an toàn, giảm thiểu rủi ro nhất. 1 số bạn khi mua hàng sẽ bị tâm lí thích món đó quá nên muốn trả tiền trước hoặc đặt cọc sớm để ‘ giữ đồ’, tuy nhiên điều này chỉ đem lại lợi ích cho người bán thôi. Nếu họ cầm tiền xong rồi block mình, món hàng không bao giờ đến tay thì cũng không biết bắt đền ai luôn 🥺.

💜 4. Trade đồ cùng khu vực.

-Bên cạnh pass đồ thì trao đổi những sản phẩm cùng giá trị ( trade) cũng là 1 nhu cầu rất lớn, vì vừa không tốn tiền, vừa được dùng món mới. Tuy nhiên, mình có lời khuyên chân thành rằng các bạn nên trade đồ với người cùng khu vực, để có thể gặp tận mặt, trao đổi đồ cho nhau và kiểm tra hàng tại chỗ luôn. Nếu không vừa ý thì không đổi đồ nữa.

Việc trade với người ở xa, phải vận chuyển bằng các bên trung gian giao hàng cũng nhiều rủi ro, vì có sự chênh lệch thời gian nhận đồ của 2 bên. Nếu người kia có ‘ nhã ý’ lừa đảo, họ không gửi đồ cho mình, hoặc gửi mấy món không giống mô tả thì coi như mình đã tặng không cho họ 1 đống sản phẩm rồi. Chính mình thời ngây thơ cũng từng bị lừa bằng hình thức này. Tức không nói nên lời 😂😂😂.

💜 5. Không chia sẻ thông tin ngân hàng vào bất kì đường link nào được gửi

-Đây là 1 điều hết sức quan trọng cần phải nhớ, vì bây giờ chỉ cần gõ vài chữ cùng 1 cú click chuột thì tiền trong tài khoản của bạn sẽ không cánh mà bay. Kịch bản thường thấy sẽ như thế này:

Người lừa đảo sẽ vào vai người mua hàng, đề nghị thanh toán qua hình thức chuyển khoản ( chiêu bài quen thuộc là ‘ mình ở nước ngoài nên nhờ người thân nhận hàng dùm, tiền mình trả = chuyển khoản’).

——> Sau đó họ gửi cho bạn 1 đường link ( thường là dịch vụ chuyển tiền WESTERN UNION, nhưng cũng có thể bất cứ ngân hàng nào), yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng của bạn để kiểm tra xem họ đã chuyển tiền hay chưa.

——> Tất nhiên sẽ không có món tiền nào được chuyển qua, mà ngay sau khi bạn hoàn thành các ‘bước’ họ yêu cầu thì toàn bộ tiền trong tài khoản của bạn sẽ bay sạch sành sanh 💸.

👇 Dưới đây là hình ảnh mình tổng hợp được từ 1 số bạn bị lừa bằng hình thức này. Có người bị bay số tiền lên đến vài trăm triệu luôn. Mọi người cẩn thận nhé!

👀 1 điểm có thể giúp chúng ta dễ nhận ra người đang muốn lừa đảo mình bằng hình thức này nhất, đó là họ rất sốt sắng mua đồ. Nếu bán nhiều món có thể họ sẽ muốn mua hết, hoặc mua không cần trả giá/ check hàng, nói chung là ‘ chốt đơn’ rất nhanh. Sau đó yêu cầu thanh toán = chuyển khoản. Khi gặp mấy người lừa đảo dạng này, chỉ cần bạn kêu thanh toán bằng COD thì họ sẽ tự động lặn mất tiu : ))). ( hình minh họa 1 ca lừa đảo mình gặp bên dưới)

—> Thanh toán COD và yêu cầu kiểm hàng trước khi thanh toán vẫn là phương thức hạn chế rủi ro hết mức có thể á 😘.

*Mình sẽ tiếp tục cập nhật bài viết này nếu rút ra thêm được gì mới. Có bạn nào từng bị lừa đảo khi mua bán đồ online không, chia sẻ cho mình biết với nha.

🌸 Nếu thích các bài viết của mình, các bạn hãy like Page FB và Instagram ủng hộ mình nha.

Love, Ngọc